Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Xã Phước Trà - Hiệp Đức - Quảng Nam
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Tìm







huyen hiep duc








Dự báo thời tiết
Hiệp Đức

Chi tiết tin

HUYỆN HIỆP ĐỨC TỔ CHỨC GẶP MẶT VÀ TRAO HUY HIỆU VÌ SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH QUẢNG NAM

Ngày 23/3/2017, UBND huyện Hiệp Đức tổ chức buổi gặp mặt, nhằm báo cáo những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh trên địa bàn; tri ân các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và cán bộ, công chức của huyện, nhân kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và trao tặng Huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Nam” cho các cá nhân thuộc khối Chính quyền.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Như Công- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đã ghi nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển huyện Hiệp Đức nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung trong 20 năm qua, phát biểu có đoạn:

Ông Nguyễn Như Công - CT UBND huyện phát biểu tại buổi gặp mặt

Nhìn lại 20 năm trước, huyện Hiệp Đức cũng như tỉnh Quảng Nam là một trong những địa phương nghèo nhất nước, kinh tế thuần nông với kết cấu hạ tầng rất kém. Năm đầu tiên tỉnh Quảng Nam thu ngân sách chỉ đạt hơn 120 tỷ đồng, trong khi phải chi hơn 1.000 tỷ đồng; cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật hầu như không có gì. Quảng Nam còn phải gánh chịu sự tàn phá nặng nề, liên tiếp do lũ lụt gây ra, gần như sự tích góp của người dân đã bị thiên tai cướp đi... Cũng chính từ trong khó khăn đó, tinh thần vượt khó, đi lên lại được khơi dậy mạnh mẽ trong toàn tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 đã khẳng định quyết tâm xây dựng nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch một cách cơ bản cơ cấu kinh tế lạc hậu sang công nghiệp, du lịch và dịch vụ. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Đảng bộ Quảng Nam đã tập trung lãnh đạo thực thi những giải pháp cụ thể như: Đẩy nhanh tốc độ phát triển các khu, cụm công nghiệp; tăng cường công tác cải cách hành chính; chuẩn bị tốt nguồn nhân lực; cải thiện môi trường đầu tư; xây dựng những sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Vượt qua nhiều thách thức, sau 20 năm, Quảng Nam đã chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội. Những dấu ấn lớn trong đời sống kinh tế, giải quyết vấn đề an sinh xã hội trong thời gian qua có thể kể đến là giảm nghèo bền vững, phát triển miền núi và xây dựng nông thôn mới. Tổng vốn đầu tư công 5 năm qua cho khu vực miền núi đạt hơn 7.750 tỷ đồng, gấp 1,4 lần so với giai đoạn 2006-2010; trong đó, vốn ngân sách tỉnh khoảng 24%, vốn từ các chương trình, chính sách của Trung ương cho miền núi khoảng 52,2%, phần còn lại là vốn trái phiếu Chính phủ và ODA.

Sau 20 năm nhìn lại, Quảng Nam đã đạt được những thành tựu phát triển khá toàn diện, bền vững, điều đáng phấn khởi là tổng thu ngân sách của tỉnh liên tục tăng cao qua các năm. Năm 2016, thu ngân sách của tỉnh tăng gấp 163 lần, trong đó thu nội địa tăng gấp 110 lần so với năm 1997 và tham gia vào câu lạc bộ có nguồn thu ngân sách 20.000 tỷ đồng/năm. Tròn 20 năm tái lập, Quảng Nam đã trở thành địa phương tự cân đối được ngân sách và đứng vào hàng ngũ 13 tỉnh, thành phố thực hiện đóng góp ngân sách về Trung ương.

Cùng với sự năng động và phát triển toàn diện của tỉnh Quảng Nam sau 20 năm tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hiệp Đức đã phát huy cao truyền thống anh hùng cách mạng, đoàn kết một lòng, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tạo nên diện mạo mới cho huyện nhà, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh Quảng Nam; đặc biệt trong đó:

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; So với năm 1997, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 72,7% giảm xuống còn 37%; công nghiệp - xây dựng từ 6,04% tăng lên 21%; thương mại- dịch vụ từ 21,26% tăng lên 42%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng từ 32,2 tỷ đồng năm 1997 lên 462,2 tỷ đồng vào năm 2016. Giá trị sản xuất CN TTCN tăng từ 3,83 tỷ đồng (1997) lên 144,6 tỷ đồng (2016). Giá trị sản xuất  Thương mại - dịch vụ năm 2016 đạt trên 617,7 tỷ đồng. Nhiều công trình trọng yếu được đầu tư như: Quốc lộ 14E, cầu Tân An, đường Đông Trường Sơn; tuyến Quế Bình - Quế Lưu - Phước Gia, đường Tân An - Trà Linh, đường Quế Thọ - Bình Sơn, cầu Vực Giang, cầu treo Tam Cấp, Bà Chầu, Trà Nô..., đã rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, tạo thuận lợi cho giao lưu, phát triển KT-XH. Các công trình thủy lợi có quy mô lớn như: hồ Việt An, Bình Hòa, Tam Bảo, Bà Sơn, An Tây… đưa tỷ lệ nước tưới chủ động lên 75%. Hệ thống điện lưới được mở rộng, phủ kín các thôn với tỷ lệ hộ dùng điện đạt trên 99% (tăng 55,6% so với năm 1997). Trụ sở làm việc của 12/12 xã, thị trấn được kiên cố. Tổng thu ngân sách năm 2016 đạt 420,8 tỷ đồng, (trong đó thu phát sinh 24,6 tỷ đồng), tăng hơn 61 lần so với năm 1997. Tổng chi ngân sách tăng từ 5,8 tỷ đồng (năm 1997) lên 370,75 tỷ năm 2016, (tăng gần 65 lần). Xây dựng xã nông thôn mới đạt kết quả khá tốt; đến nay, bình quân chung toàn huyện đạt 10,64 tiêu chí/xã, không có xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Lĩnh vực văn hoá có bước phát triển toàn diện cả chiều rộng, lẫn chiều sâu, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Về giáo dục và đào tạo, có 13/27 trường đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên đáng kể. Hằng năm, có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi, hội thi giỏi các cấp; học sinh tốt nghiệp THPT đỗ đại học năm đầu chiếm tỷ lệ khá cao (từ 40% trở lên). Mạng lưới y tế được quan tâm đầu tư, nâng cấp, mở rộng; trang thiết bị y tế được tăng cường, từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị  đã tích cực triển khai và thực hiện có hiệu quả chương trình chăm sóc người có công với nhiều nghĩa cử cao đẹp, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đã trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan toả lớn và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng vững mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị huyện và cơ sở có nhiều chuyển biến rõ nét. Bộ máy chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn, phát huy tốt vai trò trong điều hành, quản lý xã hội. Hệ thống tổ chức Mặt trận và đoàn thể được mở rộng đều khắp các địa bàn dân cư, thôn, tổ; thực hiện có hiệu quả các hình thức tập hợp quần chúng, nhất là đã chú trọng hướng mạnh hoạt động về cơ sở. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức. Đảng bộ huyện không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Những thành tựu đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn, năng động của các cấp ủy Đảng, sự điều hành, quản lý chặt chẽ của chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của Mặt trận, đoàn thể, đặc biệt sự đóng góp tích cực của nhân dân huyện nhà. Đây là tiền đề vững chắc, động lực thúc đẩy huyện tiếp tục phát triển bền vững hơn nữa trong thời gian đến.

Ông Nguyên Như Công, trao Huy hiệu cho các cá nhân

Thay mặt lãnh đạo huyện, ông Nguyễn Như Công đã ghi nhận và cảm ơn những đóng góp to lớn trong 20 năm qua của những người đã từng công tác tại huyện và những người làm ăn sinh sống trên khắp mọi miền đất nước; các thế hệ cán bộ, đảng viên, các ban ngành, mặt trận, hội, đoàn thể từ huyện đến các xã, thị trấn và nhân dân trong huyện đã chung sức đồng lòng để xây dựng Hiệp Đức phát triển. Đồng thời, ông cũng mong muốn các thế hệ cán bộ, đảng viên, các ban ngành, mặt trận, hội, đoàn thể từ huyện đến cơ sở và nhân dân trong huyện có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của huyện nhà trong thời gian đến./.


Tác giả: VP

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: